Công cuộc đổi gió tại phim truyền hình Việt

529
0

Ảnh hưởng của thị hiếu khán giả

Do những đặc trưng về văn hóa, con người, lối sống... nên thị hiếu xem phim của khán giả hai miền Nam - Bắc khá khác nhau. Điều đó cũng khiến phim truyền hình ở mỗi vùng miền cũng có xu hướng hướng đến chỉ phục vụ đối tượng khán giả ở khu vực đó.

Phim truyền hình phía Bắc thường đặt nặng tính chính luận nên phần nào hạn chế đối tượng khán giả. Còn ở phía Nam, vì tính giải trí luôn được đề cao nên phim luôn thu hút được số đông khán giả theo dõi. Điều đó cũng phần nào tác động đến sự khác biệt trong cách tiếp cận đề tài, cách thức làm phim, thậm chí cả cách quảng bá phim của những người sản xuất ở mỗi vùng miền.

Vài năm gần đây, giờ vàng phim Việt trên sóng truyền hình VTV đã tạo dựng được thương hiệu nhờ các phim thiên về chính luận, phản ánh các vấn đề thời sự, đời sống xã hội như các bộ phim phát sóng gần đây: Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Tình khúc Bạch Dương, Cả một đời ân oán... Trong khi đó, phim truyền hình phía Nam lại thường đi vào những vấn đề gần gũi của cuộc sống, khắc họa số phận nhân vật, thiên về tính giải trí.

Người phán xử được đầu tư nhưng chưa chinh phục được khán giả phía Nam
 

Đặc biệt, năm 2017, trong khi hai bộ phim: Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng tạo ra cơn sốt với khán giả tại miền Bắc với rating trung bình sau 47 tập phát sóng tại Hà Nội là 14,28%, theo thống kê của Vietnam TAM (Hệ thống đo lượng định lượng khán giả truyền hình Việt Nam) tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,94%. Số liệu đó cho thấy một thực tế, khán giả ở mỗi khu vực vẫn có thói quen xem các kênh truyền hình khu vực đó.  

Thay đổi tư duy để "chiều lòng" khán giả

Trước thực trạng đó, thời gian qua, nhiều dự án phim truyền hình của VFC như: Ngược chiều nước mắt, Cả một đời ân oán, Tuổi thanh xuân, Tình khúc Bạch Dương… đã bước đầu có sự thay đổi đáng kể. Đó là sự kết hợp của dàn diễn viên hai miền nhằm tạo sự tươi mới. Nhiều diễn viên miền Nam liên tục xuất hiện trong các bộ phim miền Bắc như: NSƯT Mỹ Uyên, Nhã Phương, Chi Bảo, Thanh Mai, Hà Việt Dũng, Hạ Anh, Hồng Loan, Hồng Kim Hạnh...

Tương tự, nhiều diễn viên miền Bắc cũng tham gia nhiều dự án phim ở miền Nam. Có thể kể tên những nghệ sĩ phía Bắc tiên phong vào Nam lập nghiệp như: Lương Mạnh Hải, Minh Tiệp, NSƯT Chiều Xuân... Sau này là NSƯT Đức Sơn, NSƯT Hoàng Hải, Mai Thu Huyền và tiếp đến là Bảo Thanh, Bình An, Anh Dũng, Huỳnh Anh, Mạnh Trường...

Cảnh trong phim Mỹ nhân Sài Thành
 

Sự dịch chuyển và đan xem của diễn viên giữa hai miền đã cho thấy bước đi chuyên nghiệp và sự thay đổi tư duy, cách làm phim của cả ekip sản xuất và diễn viên. Nhiều bộ phim cả ở phía Nam và phía Bắc thời gian gần đây đã có sự giao thoa, hòa trộn không chỉ về diễn viên, bối cảnh mà cả tư duy làm phim để "chiều lòng" khán giả hai miền.

Công cuộc "đổi gió" trong phim truyền hình còn khắc phục được những hạn chế mà các phim truyền hình Việt Nam lâu nay thường gặp phải. Đó là kịch bản phim của miền Bắc thường khá chặt chẽ, với lối làm có phần chậm nhưng kĩ lưỡng khi được kết hợp với diễn xuất đa dạng, tươi mới của các nghệ sĩ phía Nam đã tạo ra sự hấp dẫn mới mẻ cho các bộ phim lên sóng gần đây.

Sự yêu thích của khán giả dành cho những bộ phim "đặc sệt" chất Nam bộ như: Mộng phù hoa, Mỹ nhân Sài thành… minh chứng cho thực tế sự đầu tư chỉn chu, nghiêm túc và chuyên nghiệp đều có sự thuyết phục người xem ở mọi miền. Có thể thấy, phim truyền hình đang dần xóa đi khoảng cách, yếu tố vùng miền, chỉ còn chất lượng là điều quan trọng để thu hút khán giả.

Cảnh trong phim Mộng phù hoa

 

Bên cạnh đó, trong những bộ phim ra mắt gần đây, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài THVN còn chịu khó "gánh gồng" cả đoàn phim từ Bắc vào Nam để có những bối cảnh mới cho câu chuyện phim Những ngọn nến trong đêm phần 2, Ngày ấy mình đã yêu… nhằm mang đến những gia vị mới lạ, hấp dẫn cho khán giả yêu phim truyền hình Việt. Đó cũng là xu hướng tất yếu để phim truyền hình Việt luôn giữ được chỗ đứng trong lòng khán giả màn ảnh nhỏ. 

Theo kenh14

Bình luận

Tin xem nhiều nhất

Tin mới