"Khi Con là Nhà": Một Vũ Ngọc Đãng không cần cảnh nóng hay tình yêu đồng tính lại hay ho như thế này!

1053
0

Trong một thời gian dài, khi người ta nhắc tới phim Vũ Ngọc Đãng là nhắc tới cảnh nóng, người đồng tính và những thân phận thấp bé trong xã hội. Không chỉ gây chú ý về đề tài, chất lượng phim cũng luôn là một đề tài gây tranh cãi giữa người xem và các nhà phê bình. Với Khi Con Là Nhà, Đãng một lần nữa quay lại với chủ đề sở trường của anh, về những con người thấp cổ bé họng, nhưng chúng ta lại thấy một Vũ Ngọc Đãng hoàn toàn mới, vừa chân phương nhưng rất duyên dáng.


Lương Mạnh Hải và Duy Anh trong "Khi Con là Nhà"

Cốt truyện của Khi Con Là Nhà không quá đặc biệt, mới nghe qua thì nó giống như biết bao câu chuyện đã xuất hiện nhan nhản trên mục tâm sự, người thật việc thật của những trang báo mạng vậy. Phim xoay quanh Quang (Lương Mạnh Hải) và con trai của anh - Bin (Duy Anh) ở một vùng quê yên bình. Quang tuy rất thương con nhưng lại có một tật xấu là ham mê cá độ và cờ bạc. Và rồi một biến cố xảy ra khiến hai cha con phải trốn chạy lên thành phố và lạc mất nhau. Giữa dòng đời xô đẩy và một thành phố bao la, hai cha con phải làm gì để đoàn tụ? Đúng là nghe qua thì quá "bình thường", nhưng điều này như một lợi thế để cho đạo diễn cho vào đó những cái rất đời và thật của mình.

Đầu tiên, nếu như bạn đã quen với hình ảnh "ăn trắng mặc trơn" và đanh đá của Lương Mạnh Hải trong những bộ phim trước thì sẽ phải ngạc nhiên với anh nông dân Quang "chân đất mắt toét" trong Khi Con Là Nhà. Tóc tai luộm thuộm, nước da ngăm đen và răng thì vàng khè (do phải đi cạo và làm cho vàng thật chứ không phải trang điểm hay kĩ xảo), Lương Mạnh Hải đã thuyết phục người xem rằng anh là một dân quê chính gốc chỉ sau vài khoảnh khắc trên phim. Không chỉ có một ngoại hình rất đạt, tính cách của Quang còn khiến người xem phải tin.


Lương Mạnh Hải lột xác với hình ảnh quê mùa trong phim

Là một anh nông dân biết tuốt về heo, Quang chuyên đi chữa bệnh cho heo, nhà anh còn có một con heo nọc cứ đến tháng là dẫn đi từ đầu đến cuối làng phối giống, oách không ai bằng! Quang có cậu con trai tên Bin, anh yêu nó nhưng đồng thời cũng hay mặc kệ nó, kem đánh răng hết thì bắt đánh răng với xà phòng, hết xà phòng thì bắt đánh răng với muối, mà hết luôn muối thì đánh răng bằng nước sông, kiểu gì cũng sạch. Và giống như Quang, các nhân vật trong phim có đời sống riêng và phong phú của mình. Từ tính cách đặc biệt của bản thân, các nhân vật giúp cho người xem cảm nhận được cuộc sống tuy lam lũ của xã hội hiện đại nhưng bên cạnh đó cũng thấy được ánh sáng hy vọng, cái tốt trong mỗi con người.


Và nhờ những nhân vật có tính cách nhất quán, các tình tiết trong Khi Con Là Nhà trở nên logic và có lý. Các mảng miếng hài được đưa ra và sử dụng hợp lý, cho thấy một sự thay đổi hoàn toàn với bộ phim gần đây nhất của anh là Hot Boy Nổi Loạn 2, vốn ngập tràn những chi tiết vô lý và làm cho người xem cảm thấy hoang mang. Và qua cách xử lý của Khi Con Là Nhà, chúng ta mới thấy rằng không cần một kịch bản quá cao siêu, mà quan trọng nhất là cần có một cách xử lý tinh tế.

Hình ảnh trong phim của Vũ Ngọc Đãng luôn là điểm mạnh và trong Khi Con Là Nhà lại một lần nữa được phát huy. Những góc khuất của Sài Gòn lúc này không chỉ gói gọn trong những khu chợ mà kéo rộng ra những cây cầu lớn, những trận mưa tầm tã, khiến cho những thân phận nhỏ bé trong phim nay còn heo hắt hơn nữa.


Diễn xuất của bé Duy Anh chiểm rất nhiều cảm tình của khán giả

Ngoài Lương Mạnh Hải, khán giả còn tâm đắc bởi vai diễn lần này của bé Duy Anh. Không phải một gương mặt quá xa lạ, nhưng những nét duyên của bé được phát huy rất tốt trong phim. Tuy có nhiều đoạn tiếng la của Duy Anh hơi chói tai nhưng cái quan trọng nhất, bé diễn rất tự nhiên, khiến khản giả nhìn vào mắt cu Bi là tin ngay rằng nó yêu ba mình đến nhường nào.

Ngoài ra, các diễn viên khác như La Quốc Hùng, Tú Vi dù xuất hiện ít nhưng không thừa, hình tượng cũng bị "phá banh chành" không thua gì Lương Mạnh Hải. Nếu La Quốc Hùng trong vai tên Bủm nghĩ đủ mọi cách để xin tiền thiên hạ, rất đáng ghét thì Tú Vi lại lầm lì nhưng cũng đầy lòng trắc ẩn trong vai cô gái lượm ve chai. Đặc biệt, sự trở lại của diễn viên Ngọc Nga trong vai Liễu sau nhiều năm vắng bóng khiến khán giả bất ngờ và thú vị. Nhân vật này đã thổi vào câu chuyện một tình thương rất dịu dàng và chất phác, như một sự cứu rỗi trong cuộc sống quá nhiều sự di chuyển của cha con Quang.



Một điểm mạnh nữa của Vũ Ngọc Đãng trong lần trở lại này anh thao túng được toàn bộ những gì mình đưa vào kịch bản. Trong những phim trước, Đãng thường vô tình để xảy ra những chi tiết thừa vì tham nội dung, tham cảm xúc, khiến câu chuyện hay đột ngột bị bẽ hướng. Trong Khi Con Là Nhà, gần như toàn bộ những chi tiết, tình huống anh đưa ra đều có lý do. Ví dự như khi cu Bi la lên cha mình bắt cóc mình, đám thanh niên bay vào đánh túi bụi thì khúc sau, chi tiết này cũng được lặp lại nhưng trong một tình huống khác, mang đến một kết quả thỏa đáng.


Hay như lúc cu Bi ăn cắp tiền của một tiệm tạp hóa, trước đó đạo diễn đã cố tình sắp đặt nhiều chi tiết xoay quanh Quang, cốt là để thể hiện suy nghĩ của cu Bi trước việc ăn cắp. Nếu ba mình không la mắng khi mình ăn cắp dép, thấy bóp tiền rơi là nhặt lên xem có tiền bên trong không thì tất nhiên đứa nhỏ sẽ cho rằng việc lấy tiền của người khác là không có gì sai. Ý đồ này không được giải thích rõ ràng, nhưng được sắp đặt rất hợp lý, và là một tiến bộ thật sự của Vũ Ngọc Đãng.

Mặc dù có nhiều ưu điểm, tuy nhiên thì phim nào cũng vẫn phải có sạn và Khi Con Là Nhà không tránh khỏi điều đó. Như đã nói ở trên, phim đã tạo ra được nhiều tình huống thú vị nhưng đôi chỗ vẫn còn mang tính minh họa. Các nhân vật chưa có được những khoảng lặng để thể hiện nội tâm nhiều hơn. Đáng tiếc nhất có lẽ là nhân vật Quang của Lương Mạnh Hải, có những chỗ đáng lý người xem đã phải cảm thấy rất xúc động nhưng tất cả chỉ mới chớm thì đã phải bỏ qua để tiếp thục theo dõi câu chuyện. Phần âm nhạc trong phim ngoài ca khúc của Khắc Việt có tên giống phim tạo ra được nhiều phân cảnh ấn tượng thì còn lại, âm nhạc vẫn bị sử dụng đôi chỗ quá tay để dẫn dắt cảm xúc thành ra không hiệu quả.

Nói tóm lại, Khi Con Là Nhà quả thực là một bất ngờ vào cuối năm, một bất ngờ đến từ đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Xem phim để thấy rằng không cần cảnh nóng, cảnh sốc hay chủ đề tranh cãi để có một tác phẩm đáng xem. Cái cần nhất chính là một sự chân thành và những câu chuyện đơn giản cùng cách xử lý tinh tế mà thôi.

 

Theo kenh14

Bình luận

Tin xem nhiều nhất

Tin mới